Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Bóng đá đâu chỉ là bóng đá

 (BongDa.com.vn) - Xã hội càng phát triển, bản thân thể thao càng gần với một ngành giải trí. Bóng đá, với sự hỗ trợ đắc lực của truyền thông đa phương tiện, ngày càng thể hiện rõ vai trò “môn thể thao vua” của nó, hay đúng hơn, tách hẳn mình ra khỏi những bộ môn còn lại. Đó không chỉ là vấn đề tiền tài, danh vọng người ta có được cùng bóng đá, cũng không phải bởi các đài truyền hình chăm chỉ phát sóng các trận đấu hàng ngày. Bóng đá tuy không sinh ra đầu tiên nhưng lại hấp dẫn hơn tất cả bởi nó đã vượt xa tầm ảnh hưởng thông thường của một môn rèn luyện sức khỏe hay những cuộc thi đấu. Ngắn gọn thì, bóng đá đâu chỉ là bóng đá. 

  

>> 5 lý do khiến Ronaldo sẽ tái hợp với M.U  
>> Florentino Perez cần làm gì để được tái đắc cử?  
>> Milan hy vọng sẽ giữ chân được Robinho hoặc Pato  
>> Không có chuyện PSG hỏi mua cựu binh của Chelsea!  


 “Vị vua” được lòng dân 

Đó là một môn thể thao hết sức gần gũi, có thể tham gia dù chỉ với vài người hay vài chục người. Quần chúng và người chơi chuyên nghiệp tiếp cận bóng đá ở rất nhiều cấp độ, từ mặt đường bê tông tới những sân vận động cả trăm nghìn chỗ. Chỉ cần một trái bóng “đá được”, không kể bằng da hay bằng nhựa, thậm chí cả đồ tự chế miễn nó… hình cầu, chúng ta đã có thể hòa mình vào cuộc chơi đầy thú vị, giữa những bãi cỏ, trong một khoảnh sân, trên một ô đất. Còn khung thành ư? Một hai chiếc dép, vài viên gạch, chiếc cặp sách học sinh, môn “thể thao vua” đến với mọi người thật giản đơn và bình dị.

Nhiều người chơi hơn nghĩa là nhiều người đam mê hơn, quan tâm theo dõi hơn, và càng thế bóng đá càng trở nên quan trọng với báo chí, truyền hình, và các tín đồ của nó cứ tăng lên từng ngày. Không chỉ kết hợp tốc độ, sức mạnh, sự khéo léo như nhiều môn thi đấu khác, việc chơi tập thể còn tạo ra cho bóng đá những pha tranh chấp hấp dẫn, những bài phối hợp đầy tư duy, sự đa dạng về động tác, không bị lặp đi lặp lại, khiến người xem rất khó nhàm chán. Sân cỏ tiêu chuẩn dài trên 100 mét cũng là một sân khấu lớn nơi bất cứ tình huống nào cũng có thể xảy ra, đòi hỏi cầu thủ chuyên nghiệp thể hiện rất nhiều các kỹ năng, nhưng cũng có đủ khoảng không cho những phút ngẫu hứng, xuất thần, cho ra hàng loạt những pha khống chế, dứt điểm giàu cảm xúc mà ít môn thể thao nào thường xuyên được thấy.

Bóng đá là cuộc sống. Ảnh: Internet.

Sức hút của bóng đá luôn song hành giữa “xem” và “chơi”. Nó không phân biệt thể hình như bóng rổ, bóng chuyền- những môn cũng rất được ưa chuộng, không “phân vùng kinh tế” và mang tính cá nhân như tennis hay golf. Sự va chạm, tính chiến đấu của nó cũng nằm trong vòng kiểm soát của một bộ luật hợp lý, không “thô bạo” như rugby - vốn chỉ hưng thịnh tại châu Mỹ, nhưng cũng không khắt khe trong bắt lỗi như bóng rổ, người chơi được bảo vệ vừa phải. Bóng đá còn là một xã hội thu nhỏ, rèn luyện tinh thần tập thể, đoàn kết, cầu thủ làm nghề phải thích nghi với rất nhiều hoàn cảnh như trong cuộc sống giữa người với người, phức tạp hơn hẳn những môn thể thao cá nhân. Bản thân các huấn luyện viên cũng ở một tầm lãnh đạo rất khác với việc điều hành một khối hai, ba chục người, không chỉ về chuyên môn mà còn rất nhiều yếu tố bên lề. Chính vì rất nhiều mặt của đời sống hiện ra ở bóng đá, chính vì người xem không chỉ thưởng thức, cổ vũ, mà còn dễ dàng kết nối với những trải nghiệm của bản thân, sức hút của trò chơi này là bất tận.

 Đàn ông và phụ nữ với bóng đá 

Với nam giới yêu bóng đá, nó có ý nghĩa chẳng khác một người tình. Không phải tất cả, nhưng có rất nhiều đàn ông gửi gắm vào đội bóng con cưng của mình thứ tình cảm gần như sự tự hào, say mê, bảo vệ như đó là một thực thể thân cận nhất. Tình yêu bóng đá là tình yêu không có ghen tuông, chỉ có những phút thất vọng, những nỗi buồn âm ỉ, những nỗi hồi hộp và niềm vui vỡ òa không thể kiểm soát. Nhiều người vốn sống đĩnh đạc, bình thản, nhưng có thể nhảy cẫng lên hò reo, có thể chép miệng văng ra những lời chẳng bao giờ nói, có thể tranh cãi nảy lửa, trở nên giàu cảm xúc đến bất ngờ khi xem và nói về bóng đá.

Có lẽ, môn thể thao ấy hơn cả một trò giải trí, hay như nhiều người thừa nhận, cách đặt tình yêu vào bóng đá gần giống một kiểu tôn giáo vậy, mang theo niềm tin, lý tưởng của mỗi con người. Tính cách khác nhau, quan niệm đạo đức khác nhau, mơ ước khác nhau, thẩm mỹ khác nhau, từ đó mà người ta yêu thích những phong cách chơi bóng khác nhau, mẫu cầu thủ khác nhau, chẳng ai đúng hay ai sai, đơn giản là bóng đá đã ở đó như một bức tranh ngắn gọn, một minh họa sống thu nhỏ của những người đàn ông, đầy đam mê, khao khát. Người ta tìm được ở đó những phần con người mình, những gì mà mình hướng tới, ủng hộ, và cả những gì mình không ưa, ghét bỏ, đi theo mỗi nhịp đập của bóng đá là một cách chiêm nghiệm và đồng cảm cực kỳ hữu hiệu, vừa để vui vừa để suy nghĩ, vừa để được hòa mình, vừa để thể hiện mình. Những nam giới ngồi trước màn hình thấu hiểu một cách tự nhiên những nam giới đuổi theo bóng trên sân, gặp được một cộng đồng những người đàn ông yêu thể thao khác, lấy đó làm “diễn đàn” gián tiếp nêu lên những lẽ sống của bản thân, tạm thổi bay những bụi bặm của cuộc đời thường nhật. Đôi khi, bóng đá chính là người đồng hành đi cạnh những dấu mốc vui, buồn mà ta từng trải nghiệm.

Nữ giới yêu bóng đá dĩ nhiên số lượng ít hơn, kỳ thực bóng đá đỉnh cao vẫn là sự lấn át quá lớn của những cầu thủ nam và những người hâm mộ nam, với bản chất khác biệt nữ giới. Tuy nhiên, các cô gái vẫn có những cách yêu riêng, có cách nhận định riêng, hưởng những niềm vui riêng, nhẹ nhàng, không “nghiêm trọng” như cánh mày râu. Có người chỉ yêu một cầu thủ theo cách yêu một… diễn viên Hàn Quốc, thắng thua vui buồn quên mất thật nhanh. Cũng có người tìm hiểu sâu, có gu trong cách chọn lựa đội bóng mình mến mộ. Có lẽ không quá nhiều cô gái có sự đồng điệu và gắn bó đến cực đoan với bóng đá như phái nam, bởi chiến đấu, cạnh tranh, khát vọng, lập trường thông thường không phải những vấn đề sống chết nằm trong “nữ tính’. Họ dễ thưởng thức hơn, yêu lành mạnh hơn, ghét cũng dễ thương hơn. Bật tivi thấy đá giỏi họ yêu, đọc bài báo thấy làm từ thiện họ yêu, cười thật tươi và chơi lịch sự họ cũng yêu. Phạm lỗi hùng hổ họ ghét, có scandal bên ngoài họ ghét, không chuyền cho người họ yêu họ cũng ghét. Có những cô gái xem mãi mà không thuộc luật, cũng có những cô gái hiểu nhiều hơn cả đàn ông, nhưng dẫu sao, vì một trận bóng mà có thể bỏ cuộc hẹn với người yêu hoặc cãi nhau với bạn đời thì phụ nữ chắc không “giỏi” bằng nam giới.

Vậy đấy, bóng đá trải dài thế giới diệu kỳ của nó cho bất cứ ai bước vào, dù để vui chơi hay để tìm được những gì sâu xa hơn thế. Nó bình thường, thân cận như bạn bè, bao la, đa góc cạnh như một học giả, và đẹp như một người tình. Yêu bóng đá nghĩa là vui buồn cùng bóng đá, không phải yêu kiểu “fan cuồng”, mà để khi vui thì ta hào hứng làm một chầu bia trước màn hình trong quán, và khi buồn thì xỏ giầy đeo tất, bung mình trên bãi cỏ mà đá hết âu lo.

>> 5 lý do khiến Ronaldo sẽ tái hợp với M.U  
>> Florentino Perez cần làm gì để được tái đắc cử?  
>> Milan hy vọng sẽ giữ chân được Robinho hoặc Pato  
>> Không có chuyện PSG hỏi mua cựu binh của Chelsea!  


Nguồn: www.bongda.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét