Wenger (bên phải), đang đau đầu vì mất “cạ cứng” Pat Rice
VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA TRỢ LÝ HLV
Gần đây, có những tin đồn cho rằng trợ lý Steve Bould và HLV trưởng Arsene Wenger bất hòa với nhau, với Bould tỏ ra không hài lòng vì có quá ít ảnh hưởng về mặt chuyên môn đối với Arsenal. Tất nhiên, cả Wenger lẫn Bould - một cựu hậu vệ từng là cầu thủ của Wenger tại Arsenal - đều bác bỏ những tin đồn mà suy cho cùng thì chẳng có lợi gì đối với họ.
Còn trên thực tế, đã có lúc Wenger vắng mặt và ông giao cho HLV thể lực Tony Colbert điều khiển sân tập, thay vì Bould. Giới thạo tin tán đồng một chuyện: họ hiếm khi thấy Wenger và Bould nhìn thẳng vào mặt nhau! Rõ ràng, đấy là khác biệt quá lớn so với mối quan hệ tốt đẹp giữa Wenger và trợ lý cũ Pat Rice, người từng sát cánh với Wenger suốt từ khi ông dẫn dắt Arsenal từ năm 1996 đến cuối mùa bóng vừa qua.
Vì sao mối quan hệ không tốt đẹp giữa HLV trưởng với trợ lý lại có thể dẫn một đội bóng nổi tiếng đến cơn khủng hoảng thành tích tồi tệ nhất trong 16 năm? Hỏi cách khác: vì sao một đội bóng lớn như Arsenal lại có thể suy yếu chỉ vì chia tay một trợ lý HLV?
Đấy là vì chúng ta đang nói về bóng đá Anh - nền bóng đá có những đặc thù rất riêng, mà trong đó người ta gọi HLV trưởng là “manager” chứ không phải “coach” hay “trainer”. Chữ “manager” gợi lên trong suy nghĩ của bạn một khái niệm liên quan nhiều hơn đến việc quản lý? Và nếu chỉ hâm mộ bóng đá một cách bình thường thì có khi, bạn không hề nghĩ rằng chữ “manager” có nghĩa là HLV trong làng bóng Anh?
Tin hay không tùy bạn, nhưng theo cựu cầu thủ Arsenal Stewart Robson thì HLV huyền thoại Alex Ferguson của M.U “không biết phải tổ chức một buổi tập như thế nào”, và Robson nói vậy không phải là để dè bỉu Sir Alex. Rành rẽ cách tập luyện hay không là việc của Ferguson. Vấn đề là ông am hiểu bóng đá, và ông có quyền tuyển mộ những HLV cực giỏi trong việc điều hành sân tập về làm trợ lý cho mình.
THÀNH NHỜ CÓ RICE, BẠI VÌ THIẾU RICE?
Wenger cũng vậy. Ông là “công trình sư”, với những ý tưởng vĩ mô và những chiến lược dài hạn. Ý tưởng của Wenger được “kỹ sư” Pat Rice thực thi trong suốt 16 năm qua.
Chẳng hạn, Wenger thấy một cầu thủ có những tố chất cụ thể như Thierry Henry thích hợp với vai trò trung phong hơn tiền vệ cánh. Ông thấy Emmanuel Petit đá tiền vệ trụ tốt hơn là hậu vệ biên. Ông thấy đâu là những phẩm chất tốt nhất của cầu thủ Patrick Vieira mà số đông cho là tầm thường. Vieira phải là thủ lĩnh giữa sân. Quyết định của Wenger là như vậy. Còn lại là phần việc của Pat Rice và các cầu thủ trên sân tập!
Chính Wenger từng nói: “Bí quyết thành công của tôi chính là Pat Rice. Ông ta luôn hợp tác một cách tuyệt vời. Khi không tán thành quan điểm của tôi, Pat Rice vẫn cứ tôn trọng và thực thi ý tưởng của tôi, sau đó sẽ nhìn vào kết quả để phân tích tiếp”.
Tất nhiên, chẳng có gì lạ nếu như Wenger (hoặc bất cứ HLV nổi tiếng nào khác) có ý tưởng trái ngược với các nhà chuyên môn còn lại. Hiểu được Wenger, và biến được các ý tưởng của Wenger thành hiện thực, xưa nay chỉ có Pat Rice!
Cặp bài trùng Wenger - Rice đã biến một “boring Arsenal” thành đội bóng có lối chơi đẹp nhất ở Premiership, thành nhà vô địch không thua trận nào trong suốt mùa bóng 2003/04. Họ đã nhiều lần đoạt “cú đúp”, từng chia đôi thế thống trị ở Premiership với M.U trong suốt một giai đoạn dài.
Wenger - ngoài đời là một triết gia thực thụ, với biệt danh “giáo sư” - đã nhìn ra cơ man những tài năng lớn ẩn nấp trong vẻ ngoài tầm thường của các cầu thủ chưa có tên tuổi. Và từ phát hiện của ông, Pat Rice biến những Ljungberg, Henry, Vieira, Petit, Fabregas, Pires, Hleb, Senderos... thành những ngôi sao. Chỉ có Wenger phát hiện ra rằng Dennis Bergkamp vẫn chưa đạt đến tuyệt đỉnh tài nghệ, khi cả châu Âu cho rằng Bergkamp đã chững lại. Và chỉ có Pat Rice giúp được Wenger chứng minh phát hiện của mình.
Bây giờ, Wenger đã mất đi “cánh tay phải” Pat Rice. Nếu ông có những ý tưởng đặc biệt về lối chơi tổng quát, về cách phòng ngự, về tiền đạo Giroud hoặc Gervinho, nhưng những ý tưởng ấy không được Steve Bould thực thi trọn vẹn (chưa nói đến chuyện phản bác), thì cũng vô ích. Mọi khiếm khuyết của Arsenal trong mùa bóng này đều là hệ lụy từ đó mà ra?
Alex Ferguson từng dùng những trợ lý nào?
Steve Mc Claren từng là trợ lý của Sir Alex trong giai đoạn 1998-2001, với cú “ăn ba” lịch sử vào năm 1999. Sau khi chia tay Ferguson, ông gây tiếng vang bằng việc dẫn dắt Middlesbrough đánh bại... M.U để vào bán kết Cúp FA, sau đó đoạt Cúp Liên đoàn (danh hiệu đầu tiên trong lịch sử CLB), rồi vào tận chung kết Cúp UEFA. McClaren sau này còn là HLV trưởng của đội tuyển Anh tại World Cup 2006. Ông sang Hà Lan cầm quân và đưa đội bóng nhỏ Twente Enschede lên ngôi vô địch!
Một trợ lý khác của Ferguson là Carlos Queiroz cũng từng giữ ghế HLV trưởng Real Madrid hoặc đội tuyển BĐN sau khi chia tay M.U. Brian Kidd, trợ lý của Ferguson trong giai đoạn M.U áp đặt thế thống trị tuyệt đối trong làng bóng Anh (1991-1998), thì chính là trợ lý của Roberto Mancini khi Manchester City vô địch Premiership trong mùa vừa qua.
Hồi còn là HLV trưởng của CLB Scotland Aberdeen, Ferguson được mời dẫn dắt đội tuyển Scotland dự VCK World Cup 1986 (sau khi HLV Jock Stein qua đời vì đột quỵ). Phải làm sao để “ôm đồm” cả hai việc quan trọng? Ferguson tìm một HLV giỏi để mời về Aberdeen làm trợ lý cho mình. Đấy là Archie Knox - nhân vật sau đó lập tức theo Ferguson sang làm trợ lý tại M.U trong giai đoạn 1996-1991.
Ferguson còn có một trợ lý khác rất quen thuộc trong là bóng Anh là Walter Smith, người đã nhiều lần là HLV trưởng của Rangers, Everton hoặc đội tuyển Scotland. Không có những trợ lý “sừng sỏ” như thế, dễ gì Ngài Alex đi vào huyền thoại với tư cách HLV vĩ đại nhất trong lịch sử Premiership?
Nguồn: bongdaplus.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét