Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Hiến kế bảo vệ rừng: Triệt cầu ắt hết cung

 Có cầu ắt có cung. Cầu về gỗ rừng tự nhiên hiện đang rất lớn trong xã hội: Việc trang bị, sử dụng những đồ gỗ quý hiếm đang là phong trào, là niềm “tự hào”, “hãnh diện”của không ít gia đình, cơ quan, ban, ngành, các cấp. 

Cầu về gỗ rừng tự nhiên hiện đang rất lớn trong xã hội. Ảnh: Internet

Đồ gỗ ở đó đều được gia công, chạm khảm, mài giũa tinh vi, bóng loáng, người nước ngoài nhìn thấy cũng phải“bái phục”.

Cầu về gỗ rừng tự nhiên sẽ còn cao hơn nhiều nữa theo mức sống của dân ta ngày một cải thiện, cộng với số lượng gỗ chuyển sang Trung Quốc bằng mọi con đường ngày một tăng. Nhu cầu lớn, lợi nhuận cao là động lực mạnh để cung phát triển.

Trong rừng tự nhiên, rừng đầu nguồn lại quá nhiều gỗ và lâm sản quý hiếm: Đinh, lim, sến, táu, nghiến, giáng hương, cẩm lai, lát hoa, trắc, gụ v.v... ùn ùn chở về xuôi cũng đều từ đấy ra cả; có loại người ta bán theo cân, có loại đóng thành những bộ ghế với giá hàng trăm triệu đồng. Rừng tự nhiên sẽ còn bị tàn phá cho tới cây gỗ cuối cùng, nhanh biến thành đồi núi trọc hay nương ngô, bãi sắn.

Vậy có thể khẳng định rằng, muốn bảo vệ được rừng tự nhiên quý giá ngàn đời ấy, chỉ cần Nhà nước có chính sách triệt cầu thì cung tự nhiên sẽ hết, các công đoạn từ chặt phá, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ đều tự triệt tiêu, rừng tự nhiên, rừng đầu nguồn không cần bảo vệ nhiều vẫn sẽ còn và nhanh chóng phục hồi.

Được biết nhiều nước trên thế giới đã có luật cấm sử dụng gỗ rừng tự nhiên từ lâu rồi mà ta chưa có. Vậy theo đó, Nhà nước ta cần sớm có quy định: Gỗ rừng tự nhiên thuộc loại bất hợp pháp; cấm ngặt việc trang bị, sử dụng gỗ rừng tự nhiên trong mọi trường hợp; tất cả mọi trang bị bằng gỗ rừng tự nhiên tại các cơ quan nhà nước các cấp phải được thay bằng các vật liệu khác; tại gia đình các cán bộ, đảng viên, giám đốc các công ty, các đại gia, nhà giàu... cũng đều cần gương mẫu thực hiện; cấm xuất khẩu nguyên liệu và sản phẩm mới từ gỗ rừng tự nhiên; các cơ quan truyền thông, báo chí thường xuyên lên án mạnh mẽ việc trang bị, sử dụng gỗ rừng tự nhiên.

Đến nay có thể xem như rừng tự nhiên nước ta đang nhiễm căn bệnh hiểm nghèo, chữa nhiều nhưng chưa đúng chỗ, chưa đúng thuốc, nên bệnh càng thêm nặng. Vậy xin hãy cùng chịu đau, chữa trị từ gốc bằng các giải pháp trên, mau khôi phục lại rừng.


Nguồn: laodong.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét