Thanh Hóa và Hải Phòng là hai ví dụ cho thấy vẫn có những đội sống khỏe dù cả làng bóng đang chật vật, lay lắt để vượt khó. Tuy nhiên, chính lãnh đạo địa phương và lãnh đạo CLB đều thừa nhận “mô hình” của họ là “không thể học được”.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch CLB Thanh Hóa, cho biết các đội bóng phải giải thể hoặc gặp những khó khăn tới mức không có lối thoát đều chỉ dựa vào tiền của một ông bầu. Ông Đệ nói: “Ông bầu trước tiên phải lo cho doanh nghiệp của họ. Thời kỳ khó khăn kinh tế hiện tại khi túi tiền của ông bầu vơi đi thì đội bóng đói là đương nhiên. Thời kỳ UBND tỉnh Thanh Hóa giao hẳn đội cho một doanh nghiệp, chúng tôi cũng lao đao, cầu thủ cũng bị nợ lương, thưởng”.
Ông Đệ điểm lại thời kỳ tỉnh Thanh Hóa khoán trắng CLB cho công ty bia Halida rồi Xi măng Công Thanh, Viettel…, đội bóng cũng trồi sụt theo cảm hứng của doanh nghiệp tài trợ. Tuy nhiên, hiện nay, theo ông Đệ, Thanh Hóa có tới 13 doanh nghiệp “nuôi”, nguồn tiền tài trợ ổn định, có doanh nghiệp nào rút thì cũng dễ dàng kêu gọi đơn vị khác “đầu tư”. Cũng theo ông Đệ, sở dĩ các doanh nghiệp không tháo chạy khỏi bóng đá là vì sân Thanh Hóa mỗi vòng đấu vẫn chật người xem và CLB giờ đây không phải “gán” tên với bất cứ doanh nghiệp nào mà là “thương hiệu chung” của toàn bộ người dân xứ Thanh.
Hải Phòng cũng là một trường hợp ngoại lệ khi các địa phương khác bỏ bóng đá thì TP cảng tiếp tục bỏ ra cả chục tỉ đồng để mua lại suất chơi V-League của Khánh Hòa. Cũng như Thanh Hóa, Hải Phòng là đội bóng có nguồn thu từ tiền bán vé. Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hải Phòng, khẳng định: “Tiền bán vé là nguồn thu quan trọng của CLB. Nếu không có nguồn động viên từ người hâm mộ, chắc chắn không doanh nghiệp nào dám nhận đội bóng”. Một lãnh đạo UBND TP Hải Phòng cũng tự tin cho rằng bất cứ doanh nghiệp lớn nào ở TP nếu được giao quản lý đội đều cảm thấy vinh dự và không từ chối. Tuy nhiên, TP vẫn tin tưởng giao cho Công ty Xi măng Hải Phòng vì đơn vị này có kinh nghiệm quản lý bóng đá nhiều năm qua.
Trong một hội nghị do VFF và VPF tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn trước mùa giải mới tổ chức hồi đầu tháng 11, Hải Phòng và Thanh Hóa là hai đơn vị hiếm hoi có lãnh đạo địa phương tới tham dự và đều tham gia phát biểu.
Tuy nhiên, nhiều địa phương cũng “máu” bóng đá không kém như Nghệ An, Ninh Bình nhưng đưa ra giải pháp nuôi bóng đá với phần nhiều bằng “bầu sữa” ngân sách không phải là lựa chọn của tất cả. Những địa phương như Hà Nội 2 năm liên tiếp mất 2 đội bóng V-League, nếu tính cả đội hạng nhất thuộc Tập đoàn Hòa Phát và Ngân hàng ACB thì có tới 4 đội bóng chuyên nghiệp của thủ đô bị xóa sổ chỉ trong 2 năm qua.
Tuy nhiên, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ nhìn nhận việc nhiều địa phương phải lấy tiền góp phần nuôi đội bóng như hiện nay chưa hẳn đã là một tín hiệu mừng bởi mục tiêu có một nền bóng đá nhà nghề sẽ không thể đi bằng con đường cũ. Năm qua, Ban Bóng đá chuyên nghiệp của LĐBĐ châu Á (AFC) kiểm tra 15 CLB khắp cả nước nhưng chỉ có đúng một CLB đủ chuẩn, dù mục tiêu của VFF là đến năm 2014, bóng đá Việt Nam đạt đầy đủ các tiêu chuẩn chuyên nghiệp của AFC.
Nguồn: nld.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét