Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Tọa đàm trực tuyến: Kết nối cung – cầu thị trường lao động

 (Chinhphu.vn) – Từ 9h30 sáng nay, 27/2, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Kết nối cung - cầu trên thị trường lao động và định hướng phát triển”. 

Ảnh VGP/Nhật Bắc

Trong những năm vừa qua, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, điều mà lãnh đạo các doanh nghiệp lo lắng nhất trước Tết chưa hẳn là khoản thưởng Tết cho công nhân, mà là nỗi ám ảnh về việc công nhân sẽ không trở lại làm việc sau Tết. Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải rất vất vả trong việc tuyển dụng mới, đào tạo công nhân và hàng loạt những công đoạn khác. Điều đó sẽ khiến sản xuất sẽ bị gián đoạn.

Bên cạnh đó, vào thời điểm đầu năm, nhu cầu tìm kiếm việc làm đối với mỗi người trong độ tuổi lao động cũng lớn hơn bao giờ hết. Nhiều năm qua, để đáp ứng nhu cầu công việc của người lao động, các sàn giao dịch việc làm đã được tổ chức, nhưng có một thực tế là hiệu quả mang lại vẫn còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp và người lao động vẫn chưa gặp được nhau thông qua các hình thức tổ chức này.

Đây là một trong những lý do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến đầu năm mới với chủ đề “Kết nối cung - cầu trên thị trường lao động và định hướng phát triển”.

Tham dự tọa đàm có các vị khách mời:

- Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH).

- Ông Đỗ Thanh Quang, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Ninh.

- Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội

Mời bạn đọc tham gia, gửi câu hỏi tới chương trình tại địa chỉ: doithoai@chinhphu.vn .

 BTV:   Có một điểm rất tích cực là năm nay tình trạng bỏ viêc, nhảy việc sau Tết Nguyên đán đã được cải thiện nhiều so với các năm trước.   Vậy phải chăng các doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến việc giữ chân người lao động hay là do việc tìm việc làm mới đang khó khăn hơn nên người lao động không dám bỏ việc, nhảy việc?  

 

Bà Nguyễn Thị Hải Vân - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Bà Nguyễn Thị Hải Vân:  Theo dự báo của chúng tôi, 2013 vẫn là năm kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, việc mất cân đối cung cầu lao động vẫn diễn ra, mặc dù có thể nhẹ hơn so với năm trước. Có thể kể tới nhiều nguyên nhân như trình độ người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu, doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu về lương của người lao động… Như BTV vừa đề cập, tín hiệu tốt đối với thị trường lao đọng năm 2013 thể hiện qua một số nét như tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc ở các doanh nghiệp phía nam khá cao, khoảng 90%; số lao động đăng ký hưởng bảo hiểm xã hội 2 tháng đầu năm 2013 chỉ bằng 56% cùng kỳ năm 2012.. Điều đặc biệt, nhiều doanh nghiệp không phải lo người lao động không trở lại làm việc.

 Ông Đỗ Thanh Quang: Tôi đồng tình với ý kiến của chị Vân. Năm nào, cứ dịp tết là nhiều doanh nghiệp rất lo về tình trạng người lao động không trở lại làm việc sau khi nghỉ Tết. Do đó, họ có kinh nghiệm giữ chân người lao động tốt hơn. Thứ hai, năm nay dự báo kinh tế vẫn khó khăn, khi người lao động về quê thì cơ hội tìm việc mới ở quê cũng không cao nên họ sẽ quay trở lại doanh nghiệp làm việc.

 Ông Vũ Quang Thành: Theo chúng tôi nhìn nhận, trên địa bàn hà nội, sau tết, hầu hết các doanh nghiệp có số lao động quay lại trên 90%. Có doanh nghiệp có tới 100% lao động quay lại. Thứ nhất, doanh nghiệp chú trọng nhiều hơn tới việc làm sao để người lao động gắn bó với mình hơn trong thời gian dài, quan tâm nhiều hơn tới đời sống tinh thần người lao động. Thêm nữa, tình hình kinh tế khó khăn, người lao động chưa chắc đã tìm được việc tốt hơn mình đang làm do vậy, việc bỏ việc cũng giảm so với các năm trước

 Bà Nguyễn Thị Hải Vân:  Tôi xin bổ sung: DN đã chủ động hơn trong việc vận động người lao động trở lại làm việc sau Tết, duy trì việc làm ổn định cho người lao động. Trong giai đoạn khó khăn, việc tìm việc ổn định không dễ nên người lao động quay trở lại DN làm việc.

Thời gian qua, chúng tôi không thấy hiện tượng doanh nghiệp giữ lương của người lao động để giữ chân họ trở lại sau Tết.

 BTV:  Bà nhìn nhận thế nào về thị trường việc làm năm 2013, có những tín hiệu mới nào so với năm 2012? 

 Bà Nguyễn Thị Hải Vân: Thị trường việc làm trong năm 2013 rất sôi động, đặc biệt các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, có nhu cầu lao động rất lớn, và cũng đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp nhưng không có nghĩa cung hoàn toàn đáp ứng cầu. Không chỉ về số lượng mà ngay cả trình độ, thể lực, thể chất của lao động Việt Nam hiện nay cũng mới chỉ đáp ứng phần nào. Ví dụ về thể lực của lao động, chúng ta chỉ đạt mức trung bình, nên khi áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng máy móc thì cũng còn những hạn chế nhất định.

 

Ông Đỗ Thanh Quang - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Ông Đỗ Thanh Quang : Năm nay, nguồn lao động đối với Bắc Ninh không phải là vấn đề lớn, Từ năm 2005 đến nay khi tỉnh Bắc Ninh phát triển các khu công nghiệp thì số lao động khoảng hơn 10.000 người nhưng đến nay đã gần 200.000 người, năm 2012, số lao động tăng thêm 29.000 người và năm nay chúng tôi dự báo là tăng thêm 28.000 người. Do vậy nhu cầu lao động việc làm thì Bắc Ninh có thể hấp thụ nhiều lao động trong và ngoài tỉnh. Mới đây Bắc Ninh cũng đã xây dựng đề án cung ứng lao động cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 BTV:  Ông Thành nhìn nhận thế nào về thị trường lao động việc làm của Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc? 

 Ông Vũ Quang Thành : Theo nhận định của tôi, thị trường lao động trong năm 2013 chưa có biến động lớn. Kinh tế còn khó khăn nên ổn định nhân sự và việc làm cũng là ưu tiên hàng đầu, chỉ dịch chuyển lao động về trình độ, cơ cấu ngành nghề.

 BTV:  Những ngành nghề nào sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ mất việc nhất trong năm 2013? Và những ngành nghề nào có nhiều cơ hội việc làm cho người lao động?  

 Ông Vũ Quang Thành : Qua hoạt động của Sàn giao dịch việc làm và thông tin nắm bắt được, có thể nhận thấy các nhóm ngành kinh tế, xã hội, kế toán tài chính đang thực sự dư thừa lao động.Trong nhóm ngành này sẽ có sự thay đổi, chuyển dịch lao động.

Những nhóm ngành như cơ khí, điện tử, bán hàng, marketing rất cần lao động và doanh nghiệp có nhu cầu lớn. Nhưng để tìm được lao động là rất khó.

 Ông Đỗ Thanh Quang: Thế mạnh của Bắc Ninh là các ngành điện, điện tử, tự động hóa.. và đây là những ngành rất cần lao động. Còn những ngành gặp khó khăn là ngành truyền thống như mộc, cơ khí, sản xuất sắt thép… Ngoài ra, năm 2012, các doanh nghiệp ngành truyền thống hoạt động gặp nhiều khó khăn nên dẫn đến dư thừa một lượng lớn lao động. Theo nhận định của tôi, năm 2013, khó khăn này vẫn tiếp tục. Do đó, cần phải chuyển dịch lao động.

 Bà Nguyễn Thị Hải Vân : Theo điều tra về tình hình lao động năm 2013, trả lời của các doanh nghiệp về nhu cầu lao động, thì các ngành có cơ hội việc làm lớn là chế biến gỗ, xây dựng, sản xuất trang phục, chế biến thực phẩm, bán lẻ, công nghệ thông tin, điện, điện tử..

Còn với những nghề mà đòi hỏi yêu cầu cao, kỹ thuật bậc trung như kỹ sư xây dựng, kỹ sư cơ khí, chế tạo… doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao. Tuy nhiên, ở đây lại có nghịch lý là nhu cầu tuyển dụng cao nhưng lại rất khó tìm lao động. Nguyên nhân là do đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu xã hội. Ví dụ các nghề như lắp ráp đòi hỏi công tác đào tạo phải có máy móc thiết bị để thực hành nhưng do giá cao nên các trung tâm đào tạo không có điều kiện đầu tư.

 Ông Đỗ Thanh Quang : Tại Bắc Ninh, Công ty Samsung có nhu cầu rất lớn về lao động phổ thông nhưng có có nhiều tiêu chuẩn như tốt nghiệp phổ thông trung học, độ tuổi từ 18-25 nên dù lao động phổ thông nhưng Samsung vẫn phải tuyển từ bên ngoài.

 

Ông Vũ Quang Thành - Ảnh VGP/Nhật Bắc

BTV:  Qua phóng sự vừa xem có thể thấy có một khoảng cách khá lớn giữa cung và cầu trên thị trường lao động khi mà nhu cầu nhân lực thì có nhưng doanh nghiệp rất khó tuyển người, trong khi người lao động thì khó tìm được việc làm phù hợp. Vậy đâu là căn nguyên dẫn đến thực trạng này?  

 Bà Nguyễn Thị Hải Vân: Căn nguyên là doanh nghiệp và người lao động chưa gặp được nhau. Đứng về phía người lao động, chúng tôi thấy, người lao động vẫn còn hạn chế về chuyên môn kỹ thuật. Ngoài ra, như phóng sự vừa rồi nêu, do hạn chế ngoại ngữ, công nghệ thông tin nên cũng khó tìm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay những doanh nghiệp được cho là trả lương cao. Ngoài ra, chưa nói đến do tác phong nông nghiệp nên khi đi vào làm việc trong các dây chuyền sản xuất với 8 tiếng/ngày liên tục thì họ càm thấy mệt mỏi. Đây cũng là hạn chế của lao động.

Về phía doanh nghiệp, đăng tuyển của doanh nghiệp mà chúng tôi kiểm tra, so với nhu cầu tuyển dụng thì cao gấp 5-10 lần, họ đăng tuyển nhiều để lấp vào chỗ trống của lao động nhảy việc. Đôi khi, một số doanh nghiệp còn “trốn” bảo hiểm xã hội nên họ tuyển lao động vào để thay thế cho những người sau khi học việc, ra khỏi DN… . Nhu cầu thiết yếu của người lao động như nhà ở, lương chưa đáp ứng được. Chính vì vậy, người lao động chưa mặn mà lắm với doanh nghiệp.

Đứng về phía người trung gian kết nối cung và cầu giữa người lao động và doanh nghiệp cũng còn hạn chế. Như sàn giao dịch việc làm, thì chỉ có lao động phổ thông đến. Còn lao động có trình độ cao họ nghĩ có thể tìm việc ở website, trực tiếp đến gặp chủ lao động… Chính vì vậy họ không đến sàn giao dịch. Thứ hai, nhiều sàn giao dịch chỉ mời được doanh nghiệp quy mô nhỏ nên họ cũng chỉ có nhu cầu tuyển lao động phổ thông, nên lao động trình độ cao đến thì không tìm được việc, dần dần họ cũng bỏ.

 Ông Vũ Quang Thành: Thực chất về vấn đề cung cầu chưa gặp nhau, theo phản ánh của doanh nghiệp là do nguồn cung đến phiên giao dịch việc làm chủ yếu là lao động trẻ thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng mềm, đào tạo chưa gắn liền trực tiếp với công việc tại doanh nghiệp, vì vậy, việc tuyển dụng lao động trực tiếp qua sàn có hạn chế. Tỷ lệ kết nối cung- cầu lao động chỉ đạt 20 - 25%, thời điểm cao là 30%.
Thứ hai, người lao động cũng có nhiều sự đòi hỏi nhất định, đôi khi nhiều lao động có ảo tưởng về nghề nghiệp, việc làm hiện có, đòi hỏi mức lương, đãi ngộ tương đối cao.

Vì vậy, chúng tôi thực đã tư vấn cho nhiều doanh nghiệp phương án tuyển dụng lao đọng hiệu quả. Ví dụ, doanh nghiệp chăm sóc khách hàng qua điện thoại thì hiện chưa có nhiều đơn vị đào tạo công việc này nên khi các doanh nghiệp đi tuyển dụng cần lao động phổ thông, bình thường, sau đó tự đào tạo lại. Hay là một số đơn vị trong khu vực công nghiệp ở Hà Nội, thực chất khi tuyển dụng nhân viên vào làm dây chuyền thì trình độ đòi hỏi cao hơn, doanh nghiệp tuyển dụng lao động phổ thông rồi đào tạo lại, đây cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp tuyển lao động.

Nhưng trên thị trường Hà Nội, tình trạng lao động phổ thông khan hiếm rất rõ ràng, các ứng viên lao động chủ yếu là sinh viên tốt nghiệp các trường địa học, cao đẳng, nên tìm lao động phổ thông là quá khó.

 BTV:  Sau hơn 7 năm hoạt động sàn GDVL Bắc Ninh đã xây dựng được mô hình giao dịch việc làm khá hiệu quả. Xin ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm thành công cũng như hướng phát triển của sàn GDVL tỉnh trong thời gian tới?  

 Ông Đỗ Thanh Quang : Sàn giao dịch việc làm Bắc Ninh được đầu tư hoạt động nhiều năm và được đánh giá tương đối tốt, bình quân hàng năm Sàn GDVL tuyển được khoảng 5.000 lao động cho doanh nghiệp trên tổng số 30.000 người hàng năm.

Ngoài ra, có nhiều kênh tuyển dụng lao động khác nhau nhưng kênh tuyển dụng thông qua sàn giao dịch việc làm là kênh chính thống và người lao động được bảo đảm 100% quyền lợi, tiếp cận đúng thông tin.

Theo tôi, mô hình sàn giao dịch việc làm tương đối tốt, nhất là đối với lao động kỹ thuật, hoặc những doanh nghiệp quy mô vừa phải thì thông qua sàn giao dịch việc làm thì thuận lợi hơn.

 BTV:  Còn đối với sàn giao dịch việc làm Hà Nội thì sao thưa ông Thành? 

 Ông Vũ Quang Thành : Sàn giao dịch việc làm Hà Nội bắt đầu hoạt động từ năm 2007 đến nay là rất hiệu quả. Từ chỗ tổ chức các phiên giao dịch việc làm hàng quý chúng tôi tiến đến hàng tháng và hiện nay là hàng tuần. Việc tăng tần suất phiên giao dịch việc làm định kỳ sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động gặp nhau nhiều hơn. Và thông qua kết quả các phiên giao dịch việc làm chúng tôi đã đáp ứng 11-12% chỉ tiêu giải quyết việc làm của TP hàng năm. Qua các hoạt động sàn giao dịch việc làm cũng góp phần làm minh bạch thị trường lao động, đẩy lùi một số tệ nạn, tiêu cực, lừa đảo trong giới thiệu việc làm...

 BTV:  Về quan điểm của Bộ LĐTBXH, hiện còn những khó khăn tồn tại nào ảnh hưởng tới doanh nghiệp, sàn giao dịch việc làm? 

 Bà Nguyễn Thị Hải Vân:  Nhìn tổng thể các sàn giao dịch tôi thấy mặt được nhiều hơn hạn chế. Ngoài những vấn đề như 2 đồng chí vừa nói, tôi thấy, sàn giao dịch là nơi để tất cả người lao động và sử dụng lao động gặp được nhau, tìm hiểu được yêu cầu, trình độ, có thể phỏng vấn trực tiếp… nên việc làm được lựa chọn, tuyển dụng qua sàn giao dịch tương đối hiệu quả.

Thêm nữa, tôi thấy rất tâm đắc với ý kiến của ông Thành là nó minh bạch hoạt động dịch vụ việc làm, cho nên, người dân biết, đến sàn giao dịch là họ tìm được việc phù hợp và không bị lừa đảo.

Trước đây tôi đã phải trả lời rất nhiều báo chí cũng như đài truyền hình về việc tại sao mà các công ty môi giới lừa   phim vo thuat   đảo… nhưng năm 2012, và tôi nghĩ năm 2013, chắc chắn sẽ không còn những câu hỏi như vậy nữa, bởi vì các sàn giao dịch của chúng ta đã trở thành thương hiệu, khi nói đến sàn giao dịch là họ nghĩ ngay tới các trung tâm giới thiệu việc làm.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là sàn giao dịch việc làm đã là hiệu quả 100%, nó còn tồn tại một số vấn đề như về cơ sở vật chất, trang thiết bị, có khoảng trên 40 trung tâm được đầu tư nâng cao, thì ở các trung tâm này trang thiết bị tương đối hiện đại, đáp ứng được yêu cầu của các hoạt động của sàn cũng như trung tâm, còn các trung tâm còn lại vẫn nghèo nàn, nên việc kết nối mạng còn hạn chế dẫn đến việc tư vấn giới thiệu còn hạn chế đặc biệt ở các tỉnh mà thị trường lao động không phát triển thì nhiều khi chỉ có cung mà không có cầu. Vì thế chúng tôi khuyến khích không xây dựng sàn mà chỉ có sàn giao dịch điện tử hoặc phát triển hệ thống thông tin về thị trường lao động để người dân đến có thể tìm hiểu qua trung tâm.

Thêm nữa, hạn chế của các sàn này là các cán bộ, nhân viên chưa chuyên nghiệp, chưa được đào tạo bài bản như các nước phát triển, nên tính chuyên nghiệp chưa cao. Ví dụ như một công đoạn tư vấn phải tìm hiểu người lao động muốn gì, trình độ ra sao sau đó chúng ta mới đi tìm việc phù hợp để kết nối với họ. Hiện Việt Nam vẫn theo xu hướng tư vấn 1 lần là xong, nhưng ở các nước, tối thiểu là 2 lần, mỗi lần tư vấn tối thiểu 1 tiếng.

 Ông Đỗ Thanh Quang : Tôi xin bổ sung thêm về hạn chế của sàn giao dịch. Chúng ta chưa có bộ giáo trình chuẩn, chương trình tập huấn chuẩn để đào tạo đội ngũ này. Tôi đề nghị nên có một chương trình tập huấn chuyên nghiệp hơn để đào tạo cho các tỉnh.

Đối với doanh nghiệp, các trung tâm giới thiệu việc làm là hạn chế trong kết nối giữa các trung tâm trong hệ thống với nhau.

Thứ 2, khi đã kết nối, mới chỉ kết nối trên mạng. Các trung tâm phải có liên kết và kinh phí và làm sao kết nối người lao động.

 

Ảnh VGP/Nhật Bắc

BTV:  Làm sao để thu hút doanh nghiệp tham gia các phiên GDVL? 

 Ông Vũ Quang Thành: Khi nền kinh tế khó khăn thì nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp giảm xuống nên họ chỉ tổ chức tuyển dụng thông qua các kênh thông tin khác. Thực chất một bộ phận doanh nghiệp đến sàn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn với doanh nghiệp lớn, việc tuyển dụng lao động thuận lợi hơn nhiều, vì khi công bố thông tin tuyển dụng thì người lao động tiếp cận nhanh hơn.

Còn các doanh nghiệp đến sàn giao dịch việc làm thì thường là những doanh nghiệp rất khó tuyển dụng lao động, kèm theo lực lượng lao động đến sàn giao dịch việc làm đa phần là còn trẻ, còn thiếu kinh nghiệm.

Xuất phát từ thực tế này, chúng tôi đã hình thành một bộ phận chăm sóc doanh nghiệp, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của họ, để tư vấn, hỗ trợ họ tuyển dụng lao động nhanh nhất qua sàn. Vì vậy, chúng tôi đã thu hút được lượng doanh nghiệp đến sàn tương đối ổn định, năm 2012-2013 đạt quy mô 50-55 doanh nghiệp tham gia mỗi phiên giao dịch việc làm.

 BTV:  Một độc giả gửi đề nghị ông Vũ Quang Thành tư vấn kinh nghiệm để xin việc thành công tại sàn giao dịch việc làm, nhất là khâu làm hồ sơ? 

 Ông Vũ Quang Thành: Trước khi đến phiên giao dịch việc làm ví dụ tại Hà Nội vào thứ 5 hàng tuần ở hai địa điểm là 285 Trung Kính và 144 Trần Phú, bạn cần xác định rõ là mình được đào tạo và đang làm nghề gì, tìm hiểu kỹ các vị trí việc làm mà doanh nghiệp muốn tuyển dụng. Những thông tin này được công bố trước ngày diễn ra phiên giao dịch việc làm. Trước tiên, bạn phải xem mình phù hợp với doanh nghiệp nào, vị trí nào và nắm được yêu cầu về công việc và quyền lợi kèm theo.

Sau đó, bạn có thể đến phòng tư vấn trực tiếp, giúp bạn chuẩn bị tâm lý khi phỏng vấn, giúp chuẩn bị kỹ hơn về hồ sơ và tìm hiểu nhiều hơn về doanh nghiệp mà bạn dự định phỏng vấn. Đây là hỗ trợ rất thực tế cho người lao động để khi phỏng vấn họ có thể hiểu đôi chút về doanh nghiệp và công việc.

Hiện tại, hầu hết, người tìm đến sàn giao dịch việc làm chuẩn bị hồ sơ rất sơ sài. Do vậy, chúng tôi thường tư vấn cho người lao động làm lại hồ sơ, mô tả vắn tắt quá trình làm việc của mình. Một số doanh nghiệp cũng chấp nhận người lao động bổ sung hồ sơ sau. Họ quan tâm là người phỏng vấn có đảm nhận công việc sau này hay không.

 BTV:  Hiện nay mặc dù hoạt động của các trng tâm giới thiệu việc làm đã giúp giảm thiểu tình trạng lừa đảo trong giới thiệu việc làm, đặc biệt là ở các địa phương vùng xa, có thị trường lao động nhưng không phát triển. Tuy nhiên, hiện nay việc lợi dụng giới thiệu việc làm để lừa đảo người tìm việc có dấu hiệu gia tăng trở lại, bà có lời khuyên nào? 

 Bà Nguyễn Thị Hải Vân: Chúng ta thấy, tình trạng này đã giảm. Tôi chưa nghe thấy thông tin tình trạng này gia tăng. Tuy nhiên, nếu có, tôi khuyên người lao động, trước tiên nên quan tâm tới các trung tâm giới thiệu việc làm của nhà nước, bao gồm 63 trung tâm thuộc 63 tỉnh, thành phố thuộc Bộ LĐTBXH, ngoài ra còn có hơn 60 trung tâm khác thuộc các hội, đoàn thể quần chúng khác. Như vậy, tổng số hiện có khoảng 130 trung tâm.

Đây là dịch vụ công nên không thu phí, các sàn giao dịch là nơi người lao động và người sử dụng lao động dễ gặp nhau, tới đó có thể tìm hiểu được việc. Nếu đến trung tâm vẫn chưa đáp ứng được, có thể đến các doanh nghiệp hoạt động giới thiệu việc làm. Ở Việt Nam các doanh nghiệp này còn nhỏ, tần suất hoạt động không thường xuyên, khi tới đây, người lao động phải kiểm tra giấy phép hoạt động dịch vụ giới thiệu việc làm được Sở LĐTBXH cấp. Bởi chỉ khi có giấy phép mới được hoạt động, còn nếu không có là hoạt động bất hợp pháp.

 BTV:  Hiện nay, có một thực tế nhiều lao động phổ thông khó tìm việc do không được trang bị kỹ năng mềm, kỹ năng trả lời phỏng vấn, như khả năng làm việc theo nhóm hoặc các kỹ năng giao tiếp. Tới đây, có biện pháp hỗ trợ nào khả thi cho vấn đề này? 

 Ông Đỗ Thanh Quang: Ở Bắc Ninh, người lao động đến với sàn chủ yếu là lao động kỹ thuật, lao động phổ thông đến với sàn không nhiều, vì các doanh nghiệp tuyển dụng lao động phổ thông với số lượng lớn thì họ có thể tuyển dụng trực tiếp hoặc qua nhiều kênh khách nhau.

Tuy nhiên, nói đến kỹ năng mềm thì lao động kỹ thuật của chúng ta còn yếu trong khi các doanh nghiệp rất cần, đơn giản kỹ năng trả lời phỏng vấn, nhiều lao động chưa biết cách trả lời phỏng vấn sao cho thuyến phục doanh nghiệp khi tuyển dụng. Vì vậy, sàn giao dịch việc làm Bắc Ninh đã phát hành cẩm nang kỹ năng trả lời phỏng vấn, còn đối với người lao động khi tham gia phỏng vấn, theo tôi, trước hết người lao động phải nắm vững chuyên môn; tự tin; khi tham gia phỏng vấn một vị trí nào thì nên tìm hiểu vị trí và năng lực tham gia của bản thân và tìm hiểu phong cách quản lý, văn hóa của doanh nghiệp đó.

 Bà Nguyễn Thị Hải Vân: Hiện nay có rất nhiều khóa đào tạo về kỹ năng mềm và người lao động cần có ý thức để trang bị các kỹ năng mềm cần thiết khi tham gia phỏng vấn tuyển dụng của doanh nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi đang đưa vào dự thảo Luật Việc làm về quy định kỹ năng nghề, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề để tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp khi tuyển dụng người lao động.

 BTV:  Có một bạn tên là Lê Văn Hùng ở Thanh Hóa, sinh viên cao đẳng ngành cơ khí, có nhu cầu tìm việc ở Hà Nội nhưng chưa được, cho biết đã đến cả sàn giao dịch việc làm và trên Internet nhưng không thấy sàn có gì hơn. Xin ông Vũ Quang Thành giúp giải đáp. 

 Ông Vũ Quang Thành : Sàn giao dịch việc làm như các bạn đã biết, ngoài tư vấn, còn giúp kết nối doanh nghiệp với người lao động. Thứ nhất là thông tin chính thống, chắc chắn không thể sai lệch. Thứ hai ngoài tìm việc, nếu có nhu cầu người lao động được tư vấn về nghề nghiệp, vị trí làm việc phù hợp…

Tôi ví dụ, một số lao động trình độ vừa phải nhưng lại muốn vị trí rất cao, sau khi được tư vấn sẽ nộp hồ sơ cho vị trí phù hợp, nhờ đó dễ tìm việc làm hơn.

Tôi nghĩ rằng, để kết nối hiệu quả qua sàn giao dịch thì cung – cầu lao phải phù hợp với nhau. Chúng ta phát triển trang điện tử việc làm cũng tạo thêm công cụ hiệu quả cho kết nối việc làm. Tất cả thông tin về phiên giao dịch việc làm chúng tôi đều đưa lên mạng, người lao động đều nắm được và có thể trực tiếp liên hệ với doanh nghiệp nên số lượng người đến giao dịch tại sàn việc làm ít đi một chút.

Riêng với vấn đề lao động phổ thông khó tìm việc làm tại các phiên giao dịch việc làm là vì đa phần công việc đăng tuyển dụng ở đây có kỹ năng cao và cũng một phần là người lao động phổ thông ngại đến các phiên giao dịch việc làm.

Chúng tôi tư vấn lại cho các doanh nghiệp nên tuyển dụng trực tiếp tại địa phương, định hướng kênh tuyển dụng cho hợp lý.

Đối với trường hợp của bạn Lê Văn Hùng, tôi xin lưu ý là không phải ai đến sàn giao dịch việc làm cũng tìm được việc làm, chỉ khoảng 25%. Vai trò của sàn việc làm là tăng kết nối giữa doanh nghiệp với người lao động, quyết định vẫn là ở doanh nghiệp tuyển dụng. Chúng tôi chỉ làm kênh thông tin giữa hai bên. Trước đó, chúng tôi tư vấn cho doanh nghiệp làm sao để tuyển dụng tốt nhất và người lao động tìm được việc làm phù hợp.

 Bà Nguyễn Thị Hải Vân : Tôi xin bổ sung, cái lợi cho người lao động khi đến sàn giao dịch việc làm là có thể gặp được rất nhiều nhà tuyển dụng, cơ hội tìm việc làm nhiều hơn, lại có cán bộ tư vấn giúp tìm kiếm việc làm tốt hơn.

Còn với bạn Lê Văn Hùng, tôi nghĩ nghề của bạn doanh nghiệp đang rất cần, có lẽ nguyên nhân là bạn chưa gặp được doanh nghiệp phù hợp. Bạn có thể truy cập trang thông tin www.vieclamvietnam.gov.vn để tìm kiếm doanh nghiệp tuyển dụng kỹ năng làm việc như của bạn.

 BTV:  Sàn giao dịch việc làm là một mô hình rất tốt để giúp người lao động và nhà tuyển dụng gặp gỡ nhau và kí kết hợp đồng lao động. Trong thời gian tới chúng ta phải làm những gì để nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch việc làm để kết nối tốt hơn nữa doanh nghiệp và người lao động?  

 Bà Nguyễn Thị Hải Vân: Để nâng cao hiệu quả sàn giao dịch việc làm, trung tâm giới thiệu việc làm thì thời gian tới chúng ta phải tăng cường truyền thông để người dân, người lao động biết đến những hoạt động cụ thể của sàn giao dịch việc làm, trung tâm giới thiệu việc làm, những lợi thế, ưu thế so với các kênh tìm kiếm việc làm khác. Thứ hai, cập nhật thông tin dữ liệu lao động việc làm để cung cấp thông tin, tư vấn cho doanh ngiệp và người lao động. Đồng thời, cần tăng cường tư vấn thông tin chính sách pháp luật cho người sử dụng lao động và người lao động; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trung tâm, sàn giao dịch việc làm... Về phía cơ quan quản lý Nhà nước sẽ nghiên cứu, giới thiệu, tăng cường kỹ năng tư vấn cho doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp cần quan tâm chính sách tiền lương, đãi ngộ, nhà ở, đời sống vật chất và tinh thần để người lao động gắn bó chặt chẽ với doanh nghiệp.

 Ông Đỗ Thanh Quang:  Chúng ta nên hình dung trung tâm giới thiệu việc làm phải phong phú hơn về dịch vụ, ngoài kết nối cung - cầu lao động, thì còn cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp, người lao động về chính sách pháp luật, kể cả thủ tục tạm trú, tạm văng, chỗ ở... Thứ hai, về việc kết nối các trung tâm giới thiệu việc làm trong hệ thống mới chỉ dừng lại ở mức độ trao đổi về số lao động tìm việc, số doanh nghiệp đang tìm người nhưng chưa kết nối lại với nhau. Trong đề án của Bắc Ninh chúng tôi có đề xuất kinh phí cho trung tâm giới thiệu việc làm đi các tỉnh để tập hợp lao động hoặc đưa doanh nghiệp đến các tỉnh để tuyển dụng.

 Ông Vũ Quang Thành: Chúng tôi là đơn vị làm trực tiếp, xin có một số ý kiến, thứ nhất là nâng cao năng lực sàn giao dịch việc làm. Tôi rất đồng ý với ý kiến của bà Vân là tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến rộng rãi thông tin thị trường lao động hay hoạt động của sàn giao dịch việc làm, cụ thể là các phiên giao dịch việc làm hơn nữa đến từng người dân. Chúng tôi trong những năm vừa rồi cũng tổ chức rất nhiều thông tin tuyên truyền…, đặc biệt tới tận tổ dân phố. Bên cạnh đó, hầu như các trường đại học lớn ở trên địa bàn chúng tôi đều treo băng rôn của phiên giao dịch việc làm.

Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục phát triển website vieclamhanoi.net và bây giờ đã kết nối với Cổng Thông tin điện tử của Bộ LĐTBXH, phát triển trang này thành kênh thông tin chính thức nữa dành cho người lao động trực tiếp tham khảo các nhu cầu tuyển dụng.

Từ năm 2009, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chúng tôi tăng cường hơn nữa giới thiệu việc làm cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục đi vào hoạt động chuyên nghiệp hơn, giảm thiểu thủ tục hành chính đối với các phiên giao dịch việc làm, nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân viên.

Chúng tôi cũng xin có một số kiến nghị đối với Bộ LĐTBXH, về mặt quản lý nhà nước, nên có một số cơ chế, chính sách gắn kết hơn nữa doanh nghiệp với trung tâm giới thiệu việc làm; sớm có tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch việc làm, từ đó có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sàn giao dịch này. Thời gian tới, mong Cục Việc làm tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên sâu hơn về nghiệp vụ cho Trung tâm giới thiệu việc làm.

 BTV:   Qua những nội dung và các vị khách mời vừa trao đổi, có thể nhận thấy mô hình sàn giao dịch việc làm là rất tích cực, nhưng để đáp ứng được nhu cầu của cả 3 bên tham gia vào sàn giao dịch việc làm là cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người lao động thì vẫn còn một khoảng cách khá lớn.  

 Cũng qua cuộc tọa đàm này, những người lao động- đặc biệt là các bạn trẻ đang chuẩn bị tham gia vào thị trường lao động- cũng thấy rõ hơn những hạn chế của mình để tự hoàn thiện, tạo tâm thế tốt nhất ngay từ khi chuẩn bị viết đơn tuyển dụng cho tới khi tham gia vào quá trình tuyển chọn, làm việc sau này.  

 Chúng tôi xin được kết thúc cuộc tọa đàm trực tuyến trên Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ với chủ đề Kết nối cung - cầu trên thị trường lao động và định hướng phát triển tại đây, cảm ơn các vị khách mời. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi. 

 Cổng TTĐT Chính phủ 


phim thai cuc quyen 2

phim nữ sát thủ gợi cảm

chan troi mo uoc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét